Trong suốt quá trình vận hành máy nén khí, chúng ta không thể tránh khỏi một số sự cố dù lớn dù nhỏ. Để thuận tiện trong quá trình sửa chữa và bảo dưỡng, chúng tôi đã tiến hành tổng hợp các lỗi thường gặp ở máy bơm khí cũng như nguyên nhân và cách khắc phục.
Với kinh nghiệm lâu năm trong ngành cũng như phản hồi từ nhiều khách hàng, chúng tôi đã tiến hành tổng hợp được một số sự cố thường gặp sau. Mỗi sự cố lại có những nguyên nhân và cách khắc phục riêng. Chính vì vậy người dùng cần xác định được rõ nguyên nhân để có những giải pháp phù hợp.
Công suất vận hành máy nén khí thấp, lưu lượng khí nén không cao
Nếu như sau một thời gian sử dụng, bạn cảm thấy lượng khí nén thành phẩm thấp hơn khi máy mới, công suất của máy thấp hơn công suất định mức do nhà sản xuất, thì chiếc máy nén khí công nghiệp của bạn chắc chắn đã gặp sự cố.
Tình trạng này có thể do đường dẫn khí bị hở, van hút mở nhỏ hoặc có thể do lọc gió bị bụi bẩn.
Để khắc phục, người dùng nên tiến hành kiểm tra các đường dẫn khí xem có bị hở ở đâu không. Nếu đường ống bình thường thì chúng ta nên tiếp tục kiểm tra xem van hút đã mở hết cỡ chưa. Nếu van hút mở nhỏ sẽ ảnh hưởng tới lượng khí đi vào từ đó giảm lưu lượng khí nén sản sinh. Vì vậy cần mở hoàn toàn van hút.
Lọc gió nếu quá lâu không vệ sinh sẽ bị bụi bẩn bám làm giảm lượng khí đi vào và cũng mang lại ảnh hưởng giống van hút. Chính vì vậy, người dùng nên thường xuyên vệ sinh, làm sạch lọc gió của máy nén không khí. Ngoài ra, lọc tách dầu của máy nén khí cũng cần được kiểm tra. Nếu áp suất trước và sau lọc tách dầu lớn, lên tới 3kg/cm2 thì nên thay lọc tách dầu mới tránh tình trạng khí bị nghẽn không thể thoát ra ngoài.
Lỗi máy nén khí không vận hành
Tình trạng này là sự cố mà nhiều người dùng gặp phải nhất. Khi người dùng cắm điện, nhấn nút khởi động nhưng máy lại chỉ đứng im, không vận hành. Điều đó chứng tỏ máy đã phát sinh lỗi. Nguyên nhân thường gặp nhất chính là nguồn cấp điện áp bị lệch pha, mất pha, tụt áp, nút dừng khẩn cấp bị nhảy,…
Để khắc phục tình trạng này, người dùng cần kiểm tra nguồn điện. Lưu ý đến các mối nối, xem chúng có bị rò rỉ, lỏng hay không. Nhiều trường hợp máy không vận hành là do nút dừng khẩn cấp bị nhảy, khi đó nhớ reset lại máy.
Khí nén thành phẩm bị lẫn dầu, nước
Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này chính là do lọc tách dầu bị tắc, chất lượng thấp nên khiến các bẫy nước không hoạt động.
Để khắc phục tình trạng này chúng ta nên kiểm tra lọc tách dầu, nếu có lỗi thì nên tiến hành thay mới. Ngoài ra việc sử dụng sai loại dầu cũng khiến cho khí bị nhiễm dầu. Vì vậy, người dùng chỉ nên sử dụng những loại dầu được nhà sản xuất khuyến nghị.
Bên cạnh đó, tình trạng khí bị lẫn nước có thể là do bẫy nước hoặc máy sấy không hoạt động. Người dùng cần tiến hành kiểm tra thường xuyên để có những khắc phục kịp thời nhất.
Máy nén khí bị nóng khiến máy ngừng hoạt động
Đây là một trong số những lỗi cũng rất thường gặp trong quá trình sử dụng máy nén khí. Sự cố này có thể do nhiều nguyên nhân như sau:
- Nhiệt độ môi trường tại khu vực hoạt động quá cao
- Dầu máy lâu chưa thay, không đủ cấp cho máy
- Quạt làm mát, bộ cảm biến nhiệt bị hỏng
- Két giải nhiệt không vận hành
Để khắc phục tình trạng này, đầu tiên người dùng nên đặt máy tại những vị trí thoáng mát tránh những nguồn nhiệt trực tiếp. Tiến hành thay dầu máy định kỳ, sử dụng loại dầu phù hợp có chất lượng tốt. Tiến hành thay mới các bộ phận bị hỏng.
Rơle máy nén khí bị quá tải
Hậu quả của việc này có thể khiến máy dừng hoạt động. Để khắc phục, chúng ta tiến hành kiểm tra vòng bi. Nếu bi bị vỡ, ăn mòn, lệch bi thì nên tiến hành bảo dưỡng hoặc thay mức tùy mức độ hỏng hóc. Độ cách điện cùng ảnh hưởng tới hoạt động của rơle. Nếu độ cách điện dưới 10MΩ thì cần liên lạc với nhà cung cấp máy.
Ngoài ra, các mối nối cũng cần được kiểm tra thường xuyên, điện áp giảm cũng sẽ khiến rơle bị qua tải.
Lỗi ngược pha
Trong một số trường hợp sửa chữa máy nén khí hoặc khi dùng máy phát điện dự phòng có thể gây đảo trật tự pha. Với sự cố này thì cách khắc phục không quá khó khăn, người dùng chỉ cần đảo lại 2 trên 3 pha của nguồn cấp là máy sẽ hoạt động bình thường.
Để cho các sự cố này không xảy ra trên chiếc máy bơm khí nén của bạn thì chúng ta nên tiến hành bảo dưỡng, vệ sinh, kiểm tra máy định kỳ. Việc “phòng bệnh” bao giờ cũng sẽ dễ và tiết kiệm hơn “chữa bệnh”. Hy vọng những thông tin mà Điện máy Yên Phát chia sẻ trên đây sẽ giúp cho Quý khách hàng có được thêm nhiều thông tin hữu ích để quá trình sử dụng máy bơm khí luôn đạt hiệu quả cao nhất.