Các chuyên gia dinh dưỡng nhận định ăn dặm gạo lứt giúp hỗ trợ hoàn thiện hệ tiêu hóa còn non nớt của bé. Tuy nhiên, nếu mẹ vẫn còn băn khoăn trong việc cho bé ăn dặm bằng gạo lứt thì đừng bỏ lỡ bài viết dưới đây để được giải đáp chi tiết, mẹ nhé!
Chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích mẹ nên thêm gạo lứt vào bữa ăn dặm hàng ngày cho bé
1. Cho bé ăn dặm gạo lứt có tốt không?
Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết bé ăn dặm bằng gạo lứt đem lại nhiều lợi ích cho sự phát triển toàn diện của bé. Gạo lứt là loại ngũ cốc nguyên cám. Điều này có nghĩa là nó chỉ được loại bỏ lớp vỏ trấu bên ngoài và vẫn giữ được lớp vỏ cám bên trong nên rất giàu các nguyên tố vi lượng, điển hình là vitamin B1, B6, B12, góp phần quan trọng hình thành hệ thống thần kinh khỏe mạnh cho bé.
Ngoài ra, so với gạo trắng, gạo lứt chứa nhiều chất xơ hơn nên rất phù hợp với hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện của bé, góp phần làm giảm nguy cơ bị rối loạn tiêu hóa và dị ứng thực phẩm khi bé mới bắt đầu ăn dặm.
Mẹ có thể linh hoạt chế biến gạo lứt thành nhiều món ăn khác nhau để bé không cảm thấy nhàm chán
Mẹo nhỏ cho mẹ: Mẹ nên tham khảo phương pháp ăn dặm tự chỉ huy để tập cho bé yêu tự giác ăn dặm ngoan ngay từ sớm, mẹ bớt bận bịu nhé! |
2. Giá trị dinh dưỡng của gạo lứt
Bảng thành phần của gạo lứt bao gồm nhiều dưỡng chất quan trọng giúp bé phát triển một cách toàn diện.
- Cung cấp năng lượng cho cơ thể: Gạo lứt giàu carbohydrate và protein giúp chuyển hóa thành năng lượng phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt và vui chơi của bé trong một ngày dài.
- Hỗ trợ quá trình phát triển của xương: Hàm lượng không nhỏ Canxi và Magie trong gạo lứt là những nguyên liệu quan trọng, không thể thiếu giúp xương chắc khỏe.
- Hỗ trợ quá trình tiêu hóa thức ăn: Lượng chất xơ dồi dào giúp hạn chế tối đa tình trạng táo bón cho bé, đồng thời giúp hoạt động tiêu hóa thức ăn diễn ra trơn tru và hiệu quả.
- Tốt cho sức khỏe tim mạch: Nhiều bằng chứng cho thấy, gạo lứt giúp cải thiện sức khỏe tim mạch ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Lý giải điều này là do gạo lứt giúp kiểm soát tốt cân nặng và lượng đường trong máu, ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh lý béo phì, tim mạch,…
- Điều hòa lượng đường trong máu: Gạo lứt có chứa acid phytic, polyphenol và chất xơ làm chậm giải phóng carbohydrate, giúp kiểm soát lượng đường trong máu và ngăn ngừa tình trạng đường huyết tăng đột ngột sau ăn.
- Tăng cường hệ thống miễn dịch: Nhờ sở hữu nhiều vitamin và khoáng chất, gạo lứt cũng góp phần không nhỏ trong việc tăng cường sức đề kháng cho bé, ngăn chặn sự tấn công của vi khuẩn, virus và các tác nhân gây hại khác.
Gạo lứt chứa nhiều dưỡng chất quan trọng cho sự phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ của bé
Lưu ý: Nếu ăn liên tục các món ăn từ gạo lứt sẽ khiến bé bị ngán, dẫn đến biếng ăn đó ạ! Chuyên gia khuyên mẹ nên thường xuyên cập nhật đa dạng nhiều món ăn dặm cho bé để kích thích ngon miệng, cũng như giúp bé được bổ sung đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng khác nhau nhé! |
3. 3 lời khuyên dành cho mẹ khi cho bé ăn dặm bằng gạo lứt
Để giữ nguyên vẹn hàm lượng dinh dưỡng cao trong gạo lứt, mẹ cần nắm chắc một số lưu ý sau trong quá trình lựa chọn, bảo quản và chế biến:
1 – Lựa chọn gạo chất lượng: Lượng ăn của bé tương đối ít, nếu mẹ mua với số lượng lớn cùng một lúc, bảo quản không đúng cách gạo dễ ẩm mốc, gây tình trạng lãng phí. Ngoài ra, mẹ cũng không nên chọn mua gạo đựng trong thùng tại các cửa hàng tạp hóa vì không thể biết chính xác hạn sử dụng của những loại gạo này. Tốt nhất mẹ nên lựa chọn gạo lứt được đóng gói sẵn, ghi đầy đủ thông tin nhãn hiệu, ngày sản xuất, hạn sử dụng để đảm bảo gạo đạt chất lượng tốt nhất.
Mẹ nên chọn mua những hạt gạo dài, mẩy và không bị mốc
2 – Bảo quản: Mẹ nên bảo quản gạo trong thùng có nắp đậy kín. Sở dĩ phải bảo quản như vậy là vì gạo lứt được bao phủ bởi một lớp dầu nên rất dễ bị oxy hóa khi tiếp xúc trực tiếp với không khí, tạo thành các chất độc với cơ thể. Ngoài ra, việc bảo quản trong thùng, hũ có nắp kín giúp tránh tình trạng mối mọt, chuột gặm nhấm làm hao hụt hàm lượng dinh dưỡng có trong gạo.
Điều kiện bảo quản gạo tối ưu là bình kín, tránh ánh sáng và để ở nơi thoáng mát. Nếu mẹ để trong điều kiện mát từ 4 – 15 độ C thì có thể bảo quản được trong khoảng thời gian từ 12 – 15 tháng. Còn để trong điều kiện lạnh hơn từ -18 – 0 độ C có thể giữ được chất lượng gạo tới tận 2 năm.
3 – Chế biến: Khác với gạo trắng, gạo lứt cần nhiều thời gian hơn trong việc nấu chín. Chính vì vậy, mẹ cần ngâm gạo trước khi nấu. Điều này cũng giúp mẹ loại bỏ bớt lượng asen còn tồn dư trong gạo, tránh bé ăn bị đầy bụng.
Qua bài viết, hi vọng rằng mẹ sẽ có thêm nhiều thông tin hữu ích về việc cho bé ăn dặm gạo lứt. Nếu mẹ còn bất kỳ thắc mắc nào có thể để lại bình luận dưới bài viết để được đội ngũ chuyên gia giải đáp nhé!