Sản xuất kết cấu thép là giai đoạn thứ 3 trong 4 giai đoạn xây dựng một công trình kết cấu thép hoàn chỉnh. Ở giai đoạn này, các cấu kiện thép được sản xuất theo bản vẽ thiết kế , kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt tại nhà máy, trước khi vận chuyển ra công trường. Do đó, sản xuất kết cấu thép là giai đoạn ảnh hưởng quan trọng đến chất lượng, tuổi thọ của công trình cũng như thời gian, độ khó của việc lắp dựng. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ chia sẻ nhiều thông tin hữu ích của quy trình sản xuất kết cấu thép chuyên nghiệp theo hệ thống quản lý chất lượng quốc tế.
Tổng quan về sản xuất kết cấu thép
Việc sản xuất kết cấu thép được thực hiện tại các nhà máy chuyên biệt với dây chuyền sản xuất và công nghệ chuyên dụng. Để đảm bảo chất lượng cho cấu kiện thép, quy trình sản xuất thường được yêu cầu kiểm soát theo hệ thống quản lý chất lượng quốc tế như ISO 9001:2015, hệ thống Tiêu chuẩn về Hệ thống quản lý An toàn sức khỏe nghề nghiệp OHSAS 18001: 2007. Bên cạnh đó, tùy thuộc vào đặc điểm của mỗi dự án, thành phẩm cấu kiện cần tuân thủ các tiêu chuẩn sản xuất kết cấu thép của Mỹ, châu Âu hoặc Nhật về nguyên vật liệu, kích thước, kỹ thuật hàn, kỹ thuật ráp, kỹ thuật đóng gói vận chuyển.
Quy trình sản xuất kết cấu thép
Quy trình sản xuất kết cấu thép trải qua 7 giai đoạn: chọn lọc nguyên liệu đầu vào, cắt, đục lỗ, ráp, hàn, hàn bản mã, làm sạch bề mặt và sơn.
Chọn lọc nguyên liệu đầu vào
Nguyên liệu đầu vào của quá trình sản xuất kết cấu thép là các loại thép hình. Đây là một trong những điểm khác biệt với việc sản xuất cấu kiện cho nhà thép tiền chế, vốn dùng thép tấm. Thép hình là loại thép được tạo hình ngay từ công đoạn đúc. Thép nóng chảy từ lò sẽ được rót trực tiếp vào khuôn đúc và khi nguội, chúng sẽ hình dạng đặc trưng như chữ I, chữ H, chữ U, chữ C…
Thép hình là nguyên liệu đầu vào của quá trình sản xuất kết cấu thép
Trong đó, thép I, thép H (hay còn gọi là thép chữ I, thép chữ H) là những loại được sử dụng nhiều nhất để làm cột và dầm cho công trình xây dựng kết cấu thép. Như tên gọi, thép I là thép hình có tiết diện mặt cắt hình chữ I, có mặt trong của cạnh dưới và cạnh trên cong. Trong khi đó, thép hình chữ H có đặc điểm cạnh phía trong và phía ngoài có cùng độ dày. Hai loại thép này đều có kết cấu vững chắc và cấu trúc thuần nhất. Do đó, chúng chịu lực tải rất tốt, không bị vặn xoắn hay cong vênh.
Công đoạn cắt kết cấu thép
Nhà máy sẽ sử dụng các máy cắt chuyên dụng như máy cắt thủy lực, máy cắt CNC plasma, máy cắt laser để cắt thép hình đúng kích thước và số lượng theo bản vẽ. Lưu ý là thép hình thường có độ dày cao nên phải sử dụng máy cắt phù hợp.
Công đoạn đột lỗ kết cấu thép
Máy đột lỗ bán tự động hoặc tự động được sử dụng để đục lỗ các đoạn thép hình đã cắt. Việc đột lỗ để tạo điều kiện cho các liên kết trong kết cấu thép.
Công đoạn lắp ráp kết cấu thép
Tại công đoạn này, các công nhân lành nghề tại nhà máy sử dụng máy hàn tay để ráp các bộ phận của cấu kiện thép lại với nhau bằng các mối hàn tạm.
Công đoạn hàn và hàn chi tiết kết cấu thép
Sau khi ráp tạm, cấu kiện thép được đưa vào máy hàn bán tự động hoặc tự động để cố định các liên kết vĩnh viễn. Các máy hàn chuyên nghiệp sẽ tạo đường hàn liền mạch, mối hàn chắc chắn và có tính thẩm mỹ cao. Công đoạn này được kiểm soát chặt chẽ bởi nhiều quy chuẩn đường hàn dành riêng cho thép hình. Điều này nhằm đảm bảo chất lượng tốt nhất trong việc sản xuất kết cấu thép.
Sau khi hàn, bởi nhiệt độ cao, cấu kiện thép có thể bị cong vênh, gây khó khăn hoặc nguy hiểm cho việc lắp dựng. Do đó, cấu kiện thép cần được cân chỉnh và nắn thẳng bằng máy nắn trước khi qua công đoạn tiếp theo
Hàn bản mã, sườn gia cường, khoan lỗ kết cấu thép
Ở công đoạn này, các chi tiết như bản mã, sườn gia cường sẽ được hàn tay bằng các công nhân có tay nghề cao
Công đoạn làm sạch và sơn kết cấu thép
Công đoạn cuối của việc sản xuất kết cấu thép là làm sạch và sơn cấu kiện thép. Cấu kiện được xử lý bề mặt, chà phẳng nhám bằng nhiều phương pháp (như phun tay, giấy chà nhám) trước khi sơn. Việc làm sạch giúp lớp sơn được bền, bóng và đẹp.
Thông thường thường, cấu kiện sẽ được sơn 2 lớp: sơn chống gỉ sét và sơn phủ bảo vệ. Bên cạnh đó, theo yêu cầu của khách hàng, cấu kiện sẽ được sơn thêm 3 lớp hay 5 lớp, sơn chống cháy…Độ dày của lớp sơn này khoảng từ 80μm trở lên để đảm bảo tuổi thọ lâu dài của cấu kiện kết cấu thép. Đây là công đoạn cuối cùng của quy trình sản xuất kết cấu thép trước khi đóng gói và chuyển ra công trường.
Sản xuất kết cấu thép là một quá trình gồm nhiều công đoạn, mỗi công đoạn đều quyết định đến chất lượng của cấu kiện thép thành phẩm cuối cùng. Do đó, trong các nhà máy sản xuất kết cấu thép chuyên nghiệp, mỗi công đoạn hoàn thành đều sẽ trải qua các bước kiểm soát chất lượng (QC) chặt chẽ với các tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt. Chúng tôi hy vọng qua bài viết trên, các bạn đã có thêm nhiều thông tin bổ ích về quy trình sản xuất kết cấu thép cho công trình. Nếu có thắc mắc hay câu hỏi thêm, hãy chia sẻ với chúng tôi ngay dưới bài viết này!